Viết thư ứng tuyển thực tập sinh: 5 bí quyết để tạo ấn tượng

Một lá thư ứng tuyển thực tập sinh được viết tốt sẽ giúp mở rộng cơ hội nhận được công việc thực tập mong muốn. 5 bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn tạo ấn tượng tốt hơn với nhà tuyển dụng khi viết thư ứng tuyển thực tập sinh, bạn tham khảo nhé.

Sử dụng địa chỉ email nghiêm túc, dễ nhìn

Nếu bạn vẫn đang dùng một email từ thời đi học với những nickname “nhí nhảnh”, hay email sinh viên của nhà trường với mã số sinh viên dài loằng ngoằng phía sau, thì giờ là lúc bạn cần tạo cho mình một email làm việc nghiêm túc đúng nghĩa. Dù bạn có là một sinh viên trẻ, nhưng dùng những địa chỉ mail như “bonghoahong@” hay “langtu_9x@” sẽ dễ dàng giúp bức thư ứng tuyển của bạn đi thẳng vào thùng mail rác của nhà tuyển dụng.

Bạn nên tạo địa chỉ email nghiêm túc với họ tên thật, có thể kèm một con số hay từ ngữ ngắn gọn phía sau. Bí quyết nhỏ: nếu địa chỉ mail bạn định tạo đã có người sở hữu, hãy thêm dấu “.” hoặc đảo tên họ, ví dụ “thutrang.nguyen@” thay cho “nguyenthutrang@”…

Tiêu đề mail rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề

Để thư ứng tuyển của mình nổi bật và không bị trôi trong hàng trăm email mà nhà tuyển dụng nhận được mỗi ngày, hãy sử dụng một tiêu đề thật rõ ràng và khó nhầm lẫn. Dù là tìm việc làm tiếng Nhật hay tiếng Anh, dù là ngành nghề nào thì tiêu đề mail được khuyên dùng khi viết mail ứng tuyển bao gồm “Thư ứng tuyển + vị trí + tên công ty + họ tên ứng viên”. Ví dụ, “Thư ứng tuyển vị trí Sales Intern – Công ty X – Nguyễn Thu Trang”. Lúc này, nhà tuyển dụng sẽ nắm được mục đích lá thư của bạn trước khi mở đọc thư, từ đó tăng thêm cơ hội giúp bạn tiếp cận với công ty.

Đưa ra lời giới thiệu ngắn gọn và lịch sự

Mở đầu lá thư ứng tuyển thực tập sinh, bạn cần có một vài lời giới thiệu về bản thân. Hãy cố gắng giới thiệu ngắn gọn và đi kèm những từ ngữ thể hiện thái độ lịch sự, tôn trọng nhà tuyển dụng. Bạn có thể tham khảo những mẫu câu giới thiệu bản thân qua email trên internet, nhưng về cơ bản, hãy cho biết: tên đầy đủ, năm sinh, nơi bạn đang theo học, mong muốn được ứng tuyển vào vị trí thực tập của bạn. Phần giới thiệu chi tiết thường sẽ được tham khảo trong CV, vì vậy bạn không nên giới thiệu quá dài dòng trong email, tránh gây loãng nội dung.

Đưa ra những kinh nghiệm và thành tích nổi bật

Bạn nên lưu ý, thư ứng tuyển thực tập sinh cũng như lời giới thiệu những điểm nổi bật của bản thân. Vì vậy, đừng ngại “khoe” ra những thành tích hay kinh nghiệm nổi bật nhất trong suốt quãng thời gian bạn học tập tại trường. Có điểm trung bình cao? Hãy cho đưa chúng vào email. Có chứng chỉ Anh ngữ? Hãy liệt kê ra. Có kinh nghiệm gây quỹ, tổ chức sự kiện, làm lãnh đạo sinh viên? Đây là những tố chất mà nhà tuyển dụng nào cũng đánh giá rất cao, vì vậy, hãy làm nổi bật những chi tiết đó.

Đồng thời, bạn cần chú ý đến việc chỉ đưa nội dung chọn lọc và đáng tin cậy, tuyệt đối tránh tình trạng khoe khoang, thổi phồng thành tích.

Sử dụng chữ ký cá nhân cuối email

Một chi tiết nhỏ khác nhưng cũng tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng – đó chính là chữ ký cuối email. Chữ ký cuối mail với đầy đủ tên tuổi, thông tin liên lạc là một trong những dấu hiệu của một người trưởng thành và chuyên nghiệp, như một tấm danh thiếp ảo vậy.  Nếu bạn thiết kế cho mình một chữ ký cá nhân cuối email, bạn sẽ tạo được ấn tượng về sự chỉn chu, tinh tế dù là một ứng viên trẻ tuổi – và đây chính là bí quyết để ghi điểm với nhà tuyển dụng.

Một vị trí thực tập tốt rõ ràng là một bệ phóng rất vững chắc cho sự nghiệp sau này – một quãng thời gian mà mỗi người thường chỉ được trải nghiệm một lần khi vừa tốt nghiệp. Một số lượng không nhỏ nhân viên thực tập tại các tập đoàn lớn cũng sẽ có cơ hội trở thành nhân viên chính thức, hoặc nhận được những lời mời làm việc rất tốt sau này nhờ vào mối quan hệ họ gây dựng được khi đi thực tập. Để làm được điều đó, bạn hãy bắt đầu với một lá thư ứng tuyển thực tập sinh thật chỉn chu, thuyết phục và đáng tin cậy. Chúc bạn sớm tìm được vị trí thực tập ưng ý.

Ngân Linh