Cuộc đời Phi Nhung không hề trải hoa hồng như nhiều người nghĩ.
Mồ côi mẹ từ nhỏ, phải nghỉ học đi làm may nuôi các em
Phi Nhung được biết đến là một ca sĩ bolero nổi tiếng, được nhiều khán giả ái mộ. Cô cũng sở hữu một sự nghiệp thành công rực rỡ. Tuy nhiên, ít ai biết, nữ ca sĩ từng trải qua rất nhiều nỗi cực, khó khăn từ khi còn ở Việt Nam tới lúc mới đặt chân sang Mỹ.
Theo lời Phi Nhung tâm sự, thuở nhỏ, cô chỉ được ở với mẹ khoảng hai năm thì mẹ mất. Năm đó, cô mới học lớp 6, phải về ở lại với bà ngoại ở Gia Lai. Bà ngoại quan niệm con gái phải có nghề, phải biết may vá nên bắt Phi Nhung nghỉ học để đi học may.
“Ông ngoại tôi làm thợ hồ, không có tiền mà con cháu lại đông nên quyết cho tôi đi học may còn kiếm tiền. Tôi học may suốt 2 năm trời.
Hồi đó, tôi có 3 mơ ước là trở thành một thợ may giỏi, được bà ngoại thương, trở thành ca sĩ và trở thành ni cô thông minh. Tôi còn cúi mặt vào thùng phi hét lên ba điều ước của mình mà không ai biết” – Phi Nhung nói.
Sau một thời gian học nghề, Phi Nhung đã đi làm kiếm tiền, cô tự tay vẽ, đo và may hết các loại đồ, chỉ có áo dài là chưa may.
Là một người chị thương em, Phi Nhung may rất nhiều, kiếm tiền đem về cho mấy đứa em ở Cam Ranh. Cô có đến 5 người em nhưng khi mẹ mất, chị em tan tác hết, mỗi người một nơi.
Vì thế nên Phi Nhung tự thấy mình có trách nhiệm phải nuôi các em. Sang tới Mỹ, cô vẫn đi làm thợ may.
Phi Nhung còn rất đam mê ca hát nhưng không được gia đình ủng hộ. Mỗi lần cất tiếng hát, cô luôn bị các dì quát: “Im đi!”. Nhưng sự ngăn cấm này chỉ càng làm cô mê hát hơn.
Sang Mỹ làm đủ công việc tay chân tới “nát” cả tay, ngủ 3 tiếng một ngày tới mức kiệt sức
Sau thời gian ở Việt Nam, Phi Nhung sang Mỹ định cư và phải làm rất nhiều công việc tay chân vất vả nhưng vẫn chăm chỉ vừa làm vừa tự học.
Phi Nhung phải đi may thảm cho một hãng thảm. Được 6 tháng, cô muốn kiếm thêm tiền gửi về cho các em nên đi làm lợp tôn. Cô làm lợp tôn 2 tháng thì tay chân “nát” hết, đành phải nghỉ.
Đúng lúc đó, Phi Nhung xin được vào làm ở một hãng may. Lúc mới vào, lương của cô chỉ được 4 đô la một giờ.
Nhờ làm chăm chỉ nên sau vài tháng được lên tới 12 đô một giờ. Cô tự hào: “Tôi may nhanh lắm. Máy 2 kim, 5 kim, 10 kim tôi đều làm được hết. Không có máy nào tôi chừa.
Xưởng may chỉ làm các ngày trong tuần nên tới thứ 6, thứ 7 và chủ nhật, tôi tiếp tục đi làm nhà hàng, tranh thủ học thêm tiếng Anh”.
Cũng trong thời gian này, Phi Nhung được một tổ chức từ thiện dạy tiếng Anh trong 6 tháng và đào tạo cấp chứng chỉ dọn dẹp vệ sinh để đi làm ở khách sạn. Buổi đêm, cô lại tranh thủ thời gian may vá thuê.
Sau một thời gian, Phi Nhung xin vào hãng làm công nhân sản xuất đèn cầy rồi đóng hộp thực phẩm. Vì làm 2 công việc nên cô chỉ ngủ 3 tiếng/ngày, nhiều lúc kiệt sức. Năm đó, ca sĩ tròn 18 tuổi.
Tiếp đó, Phi Nhung xin vào làm tại một nhà hàng và cũng phải lao động cật lực, làm đủ công việc tay chân. Cô kể: “Ban đầu, tôi phải đi lau dọn, cọ rửa mọi thứ cho nhà hàng. Được một thời gian, tôi lên chức khác là đứng gói, chiên chả giò.
Tới tháng thứ ba, tôi nắm được trong menu có những gì nên chuyển sang làm pha chế, kiêm luôn cả việc nhận thực đơn từ khách rồi làm món. Trong thời gian đó, tôi đi học thêm tiếng Anh rồi thực hành tại nhà hàng nên nói được chút ít”.
Nhớ lại quãng thời gian đầu mới qua Mỹ đó, Phi Nhung từng bật khóc vì cuộc sống quá cực khổ. Cô tâm sự:
“Tôi sống quá cực khổ, khổ đến cùng cực, khổ không thể tưởng tượng được.
Tôi đi làm vất vả, kiếm từng đồng một để trả tiền nhà, tiền xe. Đến cái chén ăn cơm tôi cũng phải bỏ tiền ra mua. Tiền đó ở đâu mà có? Đó là tiền tôi phải đi làm cực nhọc kiếm ra, chứ đâu được ai cho.
Thậm chí, ngay cả đi sinh con, tôi cũng phải tự động lái xe một mình. Sinh con xong, tôi lại phải lái xe một mình về. Tôi đặt con bên cạnh, cứ thế lái xe về nhà, không có bất cứ ai ở bên chăm sóc, cha mẹ không, chồng cũng không“.
Chính vì sự khổ cực đó nên Phi Nhung luôn dặn con: “Tôi vẫn luôn bảo con mình phải cố gắng học thật giỏi. Tôi nói với con: “Mẹ học dở, không có điều kiện đi học nên thiệt thòi nhiều thứ. Nhưng con học giỏi nên mỗi khi con bước ra đường, người ta có thể không thích mẹ nhưng chắc chắn sẽ thương con, yêu mến con”.
Tôi cố gắng hết khả năng của mình để kiếm tiền lo cho con ăn học. Tôi muốn khi bước ra đường, ai cũng yêu mến con, còn tôi thì sao cũng được”.