Thả đèn trời, ăn bánh gạo và các phong tục truyền thống dịp Trung thu ở các nước châu Á

Trung thu là dịp lễ lớn ở hầu hết các quốc gia ở châu Á với những hoạt động, phong tục truyền thống mang ý nghĩa riêng.

Xem thêm:

Ở Việt Nam, Trung thu được coi là một trong những lễ hội lớn nhất trong năm. Nhiều người dân đã bắt đầu chuẩn bị cho lễ hội này từ đầu tháng 8 âm lịch. Trên khắp các con đường xuất hiện những quầy hàng bánh Trung thu, đèn lồng, đồ chơi rực rỡ. Và không chỉ ở Việt Nam, Trung thu còn là dịp lễ lớn của hầu hết các nước châu Á với những tục lệ và truyền thống độc đáo riêng.

Trung Quốc

Theo nhiều ghi chép lịch sử văn hóa Trung Quốc, Tết Trung thu xuất hiện từ thời nhà Chu. Sau này đến thời nhà Đường, Tống, Minh, Thanh, Tết Trung thu ngày một thịnh hành và có nhiều phong tục hơn. Ở Trung Quốc, trước đêm rằm 15/8, mọi người trong gia đình sẽ trở về nhà sum họp, vì thế nên ngày này còn được gọi là “Tết đoàn viên”.

Ảnh: Independent.

Đêm rằm tháng 8, người Trung Quốc không chỉ cùng nhau ngắm trăng mà còn tổ chức cúng bái Nguyệt thần, đặc biệt là các thiếu nữ sẽ tham gia lễ cúng trăng với mong muốn có vẻ đẹp thanh cao thuần khiết như Hằng Nga.
Ngoài rước đèn Trung thu, người Trung Quốc còn có tập tục thả đèn trời và đèn hoa đăng. Họ thường viết ước nguyện của mình lên đèn và thành tâm khẩn cầu để ước mong đó trở thành hiện thực.

Ảnh: AFP.

Bên cạnh đó, trong dịp Trung thu còn tổ chức nhiều lễ hội linh đình với nhiều trò giải trí, ví dụ như giải câu đố được ghi trên đèn lồng. Đây là hoạt động có từ xa xưa rất được nam thanh nữ tú ưa chuộng, đồng thời cũng được coi là một dịp để ghép duyên.
Và giống như ở Việt Nam và nhiều nước khác, bánh Trung thu cũng là một phần không thể thiếu trong dịp lễ này ở Trung Quốc. Càng ngày nguyên liệu, hình dáng và cách trang trí trên chiếc bánh càng đa dạng, phong phú.

Nhật Bản

Ảnh: Japancheapo.
Ở đất nước mặt trời mọc, có tới 2 dịp Trung thu trong một năm. Tết Trung thu đầu tiên gọi là Zyuyoga, tổ chức vào ngày trăng tròn giữa mùa thu (15/8 âm lịch), gắn với phong tục cổ truyền ‘Otsuki-m’. Đêm hội thứ hai có tên Zyusanya, thường diễn ra vào khoảng 13/10 âm lịch. Tương truyền rằng nếu ai đã ngắm trăng vào ngày 15/8 thì nhất định phải dự cả ngày thưởng trăng sau, nếu không sẽ gặp xui xẻo.
Ảnh: Pocketjapan.
Theo quan niệm của người Nhật, trên mặt trăng có Thỏ ngọc sinh sống, chính vì thế nên món ăn truyền thống ở đây có hình tròn, màu trắng, được xếp chồng lên nhau theo hình tháp và được gọi là món Tsukimi Dango. Người dân ở đây còn trang trí cho món ăn bằng cỏ susuki (còn gọi là cỏ bông bạc), hoặc một số loại hoa quả khác. Khi thưởng thức, mọi người quây quần bên hiên nhà hoặc gần cửa sổ để vừa ăn bánh vừa ngắm trăng.
Ở Nhật cũng có rước đèn Trung thu, trong đó các bé trai thường lựa chọn đèn cá chép thể hiện cho lòng can đảm.

Hàn Quốc

Tết Trung thu truyền thống ở Hàn Quốc gọi là tết Chuseok, đây cũng là dịp lễ tạ ơn hay lễ mừng vụ mùa bội thu. Vì thế, khi đến ngày 15/8 âm lịch, những người xa gia đình đều quay trở về nhà, đoàn tụ và ăn các món truyền thống như bánh gạo songpyeon có hình trăng lưỡi liềm và uống rượu sindoju.

Ảnh: Wiki.
Mâm lễ trong dịp Trung thu của người Hàn Quốc được bày biện rất cầu kỳ với đủ loại bánh kẹo, hoa quả, canh thịt bò, cá hấp, rượu và nến. Mâm cỗ này sẽ được dâng lên tổ tiên, cảm tạ ơn sinh thành và công lao phù hộ cho một vụ mùa bội thu.
Ảnh: Tagstory.
Ngoài ra, vào ngày này, người Hàn Quốc thường tới thăm mộ tổ tiên, dọn dẹp quanh mộ và dâng cúng các món ăn truyền thống.
Điểm đặc biệt ở Tết Trung thu của Hàn Quốc chính là điệu nhảy Ganggangsullae. Điệu nhảy này không phân biệt già trẻ gái trai, tất cả sẽ đều cùng nhau nhảy múa thành một vòng tròn lớn dưới ánh trăng ngày rằm. Hầu hết mọi người đều mặc quần áo truyền thống Hanbok trong Tết Trung thu.

Campuchia

Không giống các quốc gia khác, Trung thu ở Campuchia lại diễn ra muộn hơn hẳn so với các nước khác. Người dân ở đây tổ chức lễ Ok Om Bok (lễ hội trăng rằm) vào ngày 15/10 âm lịch. Ngay từ sáng sớm của ngày này, người Campuchia sẽ chuẩn bị lễ vật cúng trăng gồm các vật phẩm như hoa tươi, súp, cốm, nước mía…

Ảhh: VGP.

Đến tối, mọi người sẽ tụ tập lại một chỗ, cầu nguyện phước lộc cho gia đình, cùng nhau ăn uống và ngắm trăng. Ở đây có một phong tục truyền thống rất đặc biệt, đó là sau khi cúng trăng xong, người già sẽ lấy cốm nhét vào miệng của trẻ em, với mong ước những điều tốt đẹp sẽ đến với đứa trẻ và gia đình. Ngoài ra, lễ hội Ok Om Bok còn có các hoạt động tập thể như thả đèn trời, đùa ghe ngo… thu hút đông đảo người dân tham gia.

Singapore

Ảhh: Holidify.

Tại Singapore, ngoài cái tên Tết Trung thu, người dân nơi đây còn gọi đây là dịp lễ bánh trung thu hay lễ hội lồng đèn. Ở một số nơi tổ chức múa lân, múa rồng hoặc sư tử nhằm tạo ra không khí tươi vui, náo nhiệt cho trẻ em và người lớn vui chơi. Mặc dù có nhiều điểm tương tự với Tết Trung thu truyền thống ở Trung Quốc, người Singapore lại có vẻ chuộng các loại bánh Trung thu có nhân vị đặc biệt hơn, ví dụ như sầu riêng.

Ngoài ra, một số quốc gia khác như Thái Lan, Lào, Myanmar, Malaysia… cũng tổ chức Trung thu vào ngày 15/8 âm lịch. Với ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, những nước này đều có tục lệ ngắm trăng, rước đèn và ăn bánh Trung thu.

Theo: dulichvietnam