Dù bản thân ma cà rồng chỉ là đám sinh vật giả tưởng, nhưng thực tế thì trên đời lại tồn tại 1 số loài vật có những tập tính, thói quen rùng rợn chẳng khác ma cà rồng là bao.
1. Cá ma cà rồng
Có nhiều loài cá có răng nhọn, dài được gán cho biệt danh cá ma cà rồng, nhưng có vẻ như cá payara (sinh sống ở hệ thống sông Amazon và Orinoco tại khu vực Brazil và Venezuela) chính là loài xứng đáng với danh hiệu này nhất.
Loài cá này có thể dài tới 1,2 mét, và cặp răng nanh dài nhọn (tới 15 cm), kinh dị của chúng rất hữu dụng trong việc săn tìm con mồi mà chúng yêu thích nhất: cá piranha – 1 loài cá cũng khét tiếng hung bạo nhờ bộ răng sắc như dao cạo và thói xâu xé thịt tươi theo đàn của mình. Dù gì thì, đây cũng là quy luật cá lớn nuốt cá bé mà.
2. Sẻ đất ma cà rồng
Sống trên đảo Galápagos ngoài khơi Nam Mỹ, sẻ ma cà rồng (danh pháp khoa học: Geospiza difficilis septentrionalis) vốn là loài đặc hữu của đảo Wolf và đảo Darwin. Có thân hình nhỏ bé, bề ngoài hoàn toàn bình thường nhưng ngoài việc ăn hạt giống và ấu trùng, loài chim sẻ đáng sợ này còn… hút máu của những loài chim lớn khác, nhằm khiến cơ hội sống sót của chúng tăng thêm trong điều kiện khắc nghiệt này.
Cụ thể, nạn nhân thường là 1 loài chim biển gọi là chim điên chân xanh hay chim booby, thường bị sẻ ma cà rồng uống máu bằng cách mổ vào người (hoặc phần đuôi) chúng cho đến khi máu rỉ ra. Tuy vậy, nạn nhân sẽ sống sót qua vụ tấn công, và thực ra chúng cũng chẳng thèm ý kiến gì khi lũ sẻ bắt đầu màn chè chén máu me này đâu.
3. Bướm ma cà rồng
Được phát hiện vào năm 2008, bướm ma cà rồng (danh pháp khoa học: Calyptra thalictri) vốn là loài bướm bản địa tại Siberia, Nga; là loài bướm đêm thuộc họ Noctuidae. Khác với những loài bướm khác, bướm ma cà rồng sống bằng cách đi hút máu những loài động vật có xương sống, kể cả con người, đặc biệt là các loài thú có túi. Ngoài ra, thực tế thì chỉ có bướm đực mới hút máu, còn bướm cái thì không. Tuy nhiên, bướm cái vẫn nhận máu từ bướm đực để tăng cường dinh dưỡng, nhằm có thể nuôi con.
Để hút được máu, phần lưỡi của bướm ma cà rồng tiến hóa, trở nên sắc nhọn hơn, dài hơn, mọc ra các ngạnh và móc giúp nó có thể dễ dàng xuyên thủng lớp da của nạn nhân, cắm ngập vòi trong cơ thể con mồi để hút máu. Thậm chí, những nhánh bướm ma cà rồng tại châu Á còn có khả năng tấn công các động vật da dày như trâu, bò, tê giác, thậm chí cả loài voi. Thật may mắn thay, những con bướm tại Siberia thường được coi là không quá nguy hiểm đối với con người.