Vì sao phụ nữ Hàn Quốc sợ Trung thu

Chang May Choon chia sẻ với tờ Straits Times rằng nhiều phụ nữ xứ kim chi cảm thấy Trung thu là dịp mà họ phải chịu ấm ức nhất vì không được đối xử công bằng như nam giới.

Một khảo sát gần đây chỉ ra rằng chỉ 19% người được hỏi có dự định về quê hoặc đi du lịch nhân kỳ nghỉ lễ Chuseok, Tết Trung thu ở Hàn Quốc, kéo dài 5 ngày trong năm nay.

Phần lớn quyết định ở lại thành phố vì lo ngại dịch bệnh, vốn đang diễn biến phức tạp ở vài địa phương.

Tuy nhiên, tôi nghĩ nỗ sợ phải cặm cụi trong bếp suốt kỳ nghỉ lễ của phụ nữ xứ kim chi cũng tác động đến xu hướng này.

Với nhiều phụ nữ Hàn Quốc, dịp Chuseok là khoảng thời gian căng thẳng, áp lực khi luôn phải đứng bếp, làm việc nhà. Ảnh: Soul of Seoul.

Với nhiều người vợ, người mẹ ở Hàn Quốc, Chuseok không chỉ là dịp đoàn viên, mà còn là “mùa thịnh nộ”, khi sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong gia đình hiện lên rõ rệt nhất.

Nữ diễn viên Hwang Eun-jeong từng kể lại trải nghiệm chuẩn bị Tết Trung thu ở nhà chồng: “Tôi phải dậy từ 3h để nấu nướng. Tôi bối rối không biết mình là vợ hay nhân viên làm thuê tại nhà hàng”.

Phụ nữ nấu ăn, đàn ông nghỉ ngơi

Giống như trên phim ảnh, vào mỗi dịp lễ, phụ nữ – nhất là những người kết hôn với con trai trưởng trong nhà – phải tất bật cả ngày chuẩn bị mâm cúng thịnh soạn, tiếp đón họ hàng và dọn dẹp nhà cửa sau khi khách khứa về hết.

Trong khi đó, đàn ông có thể thoải mái ngồi ăn uống, chúc tụng, chẳng cần động tay tới việc nhà.

Dù làm việc vất vả, công lao của phụ nữ trong các ngày lễ như Chuseok hiếm khi được tôn trọng, công nhận bởi các thành viên trong gia đình. Vì thế, họ luôn mang trong mình nỗi ấm ức, phẫn nộ, song buộc phải kìm nén.

Trong các dịp lễ tết, phụ nữ sẽ đảm đương tất cả việc bếp núc, còn nam giới có thể nghỉ ngơi, trò chuyện cùng những người đàn ông khác trong nhà. Ảnh: Eileen Cho.

Tôi từng trải nghiệm chuyện này khi tới nhà anh họ của chồng dự lễ Chuseok vào năm 2015, sau khi chúng tôi chuyển tới Seoul.

Ngay khi đặt chân vào nhà, tôi lập tức bị các thành viên nữ khác kéo vào bếp, thúc giục nấu nướng cỗ bàn.

Ngược lại, chồng tôi thản nhiên ngồi ngoài phòng khách, nhấm rượu cùng đồ ăn nhẹ, chuyện trò với những người đàn ông khác trong nhà.

Giữa bầu không khí sôi nổi, ồn ã ấy, tôi không thể nào thư giãn được khi bản thân mình đang đứng giữa bếp, tay liên tục chiên bánh jeon.

Thậm chí sau khi cúng tổ tiên, phái nam lập tức ngồi vào mâm trong khi phụ nữ phải chờ đợi. Đến khi tới lượt tôi dùng bữa, món bánh jeon chính tay tôi làm đã hết sạch.

Tuy nhiên, tôi không phải người duy nhất có trải nghiệm như vậy. Một người bạn của tôi cũng kể rằng chân tay cô ấy đau nhức sau mỗi dịp lễ do phải đứng bếp nấu nướng, dọn dẹp nhiều giờ.

Mùi dầu mỡ, thức ăn vẫn bám trên tóc suốt nhiều ngày sau đó.

Thực tế, dù mệt mỏi cỡ nào, những người vợ cũng không dám nhờ chồng giúp đỡ, hoặc từ chối làm việc nhà vì sợ phải gánh những ánh nhìn phản cảm, dò xét từ người lớn trong nhà, nhất là mẹ chồng.

Trải nghiệm này khiến tôi nhận ra rằng ngay tại một đất nước hiện đại như Hàn Quốc, tình trạng phân biệt đối xử giữa nam và nữ vẫn còn tồn tại, ăn sâu vào ý thức hệ của nhiều lớp người.

“Bệnh phẫn nộ” của phụ nữ Hàn Quốc

Ởxứ kim chi, “hwabyeong”, hay “bệnh phẫn nộ”, là tên gọi của một triệu chứng tâm lý. Người mắc chứng này thường kìm nén sự giận dữ, phẫn uất trong khoảng thời gian dài, dẫn tới triệu chứng khó thở, tim đập nhanh, đau đầu, lo âu và trầm cảm.

Trạng thái tâm lý này ảnh hưởng tới hơn 10.000 người mỗi năm, đặc biệt là trong hoặc sau lễ Chuseok. Đáng nói, phụ nữ lại là đối tượng dễ mắc phải “bệnh phẫn nộ” nhất.

Hiện nay, phụ nữ Hàn Quốc nhận thức rõ về định kiến giới và dám lên tiếng vì quyền của mình. Ảnh: Pixta.

Ngoài ra, tỷ lệ ly hôn vào dịp Trung thu thường có xu hướng tyăng do xung đột và mâu thuẫn giữa các cặp vợ chồng được đẩy lên cao.

Vì thế, khi chính phủ không khuyến khích các cuộc họp mặt gia đình, tụ tập trên 8 người tại nhà vào dịp lễ này vì lo ngại dịch Covid-19 lại trở thành niềm vui cho nhiều người vợ, người mẹ.

Hiện nay, không ít mẹ chồng đã bớt khắt khe, xét nét với con dâu do họ không muốn lặp lại tổn thương mình từng phải chịu cho người khác.

Những người phụ nữ có trình độ học vấn cao, khả năng tự chủ tài chính cũng nhận thức rõ hơn các vấn đề về giới và sẵn sàng đấu tranh cho quyền lợi của mình.

Một người bạn của tôi kể rằng mẹ cô ấy luôn đối xử tử tế, nhiệt tình với con dâu, không yêu cầu họ phải vào bếp trong dịp Chuseok.

“Bà ấy không muốn bất cứ cô gái nào, dù là con gái hay con dâu, phải chịu đựng nỗi khổ đó nữa”, cô ấy kể.

Một cô bạn khác lại nói rằng mẹ cô ấy khuyến khích con gái theo đuổi đam mê, không bi trói buộc bởi quan niệm xã hội như “phải kết hôn”, “phải lo toan cho gia đình”.

“Tôi đã thấy mẹ tôi đau khổ ra sao khi không có sự lựa chọn nào cho bản thân. Giờ đây, phụ nữ có nhiều lựa chọn hơn, không cần thiết phải kết hôn để chịu phần thiệt về mình như vậy”, cô ấy chia sẻ với tôi.

Năm nay, gia đình tôi chọn ở lại Seoul đón dịp Chuseok. Đôi khi, tôi tự hỏi liệu mình có mắc chứng “bệnh giận dữ” hay không nếu tiếp tục trở về nhà chồng đón lễ tết như năm ấy.

Nguồn: Zing.vn